Trích yếu: |
GIỚI THIỆU CÔNG TY TNHH LÂM NGHIỆP SÔNG KÔN - Tên Công ty: CÔNG TY TNHH LÂM NGHIỆP SÔNG KÔN - Địa chỉ: 56 Nguyễn Trung Tín, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. - Điện thoại: 0256.3886.299 - Fax: 0256.3886.443. - Địa chỉ thư điện tử: lamnghiepskvt@gmail.com 1. Quá trình hình thành phát triển Công ty đến nay Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Lâm trường Sông Kôn) là Công ty 100% vốn Nhà nước, đóng trên địa bàn huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Được thành lập năm 1992 theo Quyết định số 2676/QĐ-UB ngày 31/12/1992 của UBND tỉnh Bình Định. Năm 2006, chia tách thành hai đơn vị và đổi tên thành Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, thực hiện nhiệm vụ kinh doanh là chính, và thành lập mới Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh để thực hiện nhiệm vụ công ích; Năm 2007, Công ty Lâm nghiệp Sông kôn sáp nhập với Tổng Công ty sản xuất, đầu tư, dịch vụ - xuất nhập khẩu Bình Định; Năm 2010, thực hiện Đề án chuyển đổi Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn thành Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Một thành viên) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 22/6/2010; Năm 2016, Công ty đã xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 2156/QĐ-UB ngày 24/6/2016. 2. Một số điểm nhấn hoạt động trồng rừng và kinh doanh gỗ rừng trồng Nền tảng phát triển ổn định của Công ty ngày nay là thực hiện Quyết định số 187/1999/QĐ-TTg ngày 16/9/1999, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 và Quyết định số 873/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Phương án tổ chức lại Lâm trường Sông Kôn thành Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn. Trong Phương án tổ chức lại tách diện tích đất, rừng quy hoạch cho phòng hộ thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ riêng, Công ty chỉ quản lý sử dụng đất, rừng quy hoạch sản xuất 14.306,68 ha để chuyên sâu kinh doanh về lâm nghiệp. Đây là một bước ngoặt hết sức quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn chứng tỏ sự nhận thức và hoạt động đúng đắn theo đường lối của Đảng và Nhà nước, chứng tỏ vai trò của doanh nghiệp quốc doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Sự chuyển đổi này cũng đặt ra những thách thức của các hoạt động sản xuất lâm nghiệp và những tác động quan trọng đối với đời sống của các cộng đồng dân cư trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công ty phải bàn giao lại diện tích rừng trồng để dành đất cho người dân tái định cư lòng hồ thủy lợi Định Bình. Diện tích đất Công ty được giao trên địa bàn Vĩnh Thạnh không đủ để phát triển sản xuất bền vững. Từ những mạnh dạn trong đầu tư trồng rừng Nhà nước đã giao thêm đất trống cho Công ty tại các huyện Tây Sơn, Hoài Ân - tỉnh Bình Định để trồng rừng. Tuy nhiên, trong công tác quản lý còn một số hạn chế như: Trước đây, khi làm thủ tục giao đất diện tích rừng tự nhiên không thực hiện việc đo đạc, đất trồng rừng tuy có rà soát, xác định lại diện tích, ranh giới, trạng thái nhưng do yêu cầu công việc và công cụ kỹ thuật sử dụng nên tính chính xác chưa cao. Năm 2015, Công ty đã xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ nhằm khắc phục những thực trạng bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, lao động. Đã được Ủy ban nhân tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 2156/QĐ-UB ngày 24/6/2016. Phương án sử dụng đất của Công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3348/QĐ-UBND ngày 01/10/2018, cụ thể: Diện tích đất Công ty giữ lại để tổ chức sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích là 12.639,11 ha; diện tích bàn giao lại cho địa phương quản lý là 1.667,57 ha. UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án QLBVR bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Phương án QLBVR bền vững giai đoạn 2020 - 2025. - Công tác quản lý rừng tự nhiên: Từ khi thành lập Công ty (năm 1976) đến năm 2000 hoạt động chính của Công ty là khai thác rừng tự nhiên, bình quân hàng năm khai thác từ 8.000 m3 đến 10.000 m3. Từ năm 2001 đến năm 2013, mỗi năm Công ty chỉ xin phép khai thác bền vững từ 2.000 m3 đến 2.500 m3 gỗ theo Phương án điều chế rừng, sau khi nộp các khoản thuế cho Nhà nước, phần còn lại chi trả lương cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng và đầu tư phát triển vốn rừng. Trên cơ sở Phương án điều chế rừng giai đoạn 2011 - 2045 được các cấp phê duyệt, diện tích rừng giàu (Trạng thái IIIA3), rừng trung bình (Trạng thái IIIA2) chiếm 76% diện tích rừng tự nhiên. Công ty tổ chức quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên đảm bảo chất lượng rừng ngày càng tăng cao. Năm 2014, Nhà nước đóng cửa rừng Công ty chỉ thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng một phần diện tích rừng tự nhiên cho hộ dân theo Nghị quyết 30a, từ năm 2021 giao khoán từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, đầu tư tái tạo vốn rừng tự nhiên đã tạo công việc làm, tăng thêm thu nhập cho một số hộ dân sống gần rừng. Ngoài tiền nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, các hộ dân còn có nguồn thu từ lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. - Công tác kinh doanh rừng trồng: Vào những năm 1995 đến năm 2000, Công ty cũng có trồng rừng, nhưng chủ yếu trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cây giống chủ yếu là Keo lá tràm sản xuất từ hạt. Thực hiện chủ trương của Nhà nước hạn chế khai thác rừng tự nhiên chuyển sang kinh doanh rừng trồng là chính, năm 2001 UBND tỉnh Bình Định có Công văn số 1102/UB-NN ngày 18/6/2001 giao Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định lập dự án xây dựng vùng nguyên liệu gỗ và Công văn số 1257/UB-NN ngày 02/7/2001 giao nhiệm vụ cho Lâm trường Sông Kôn (nay là Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn) trồng 300 ha rừng nguyên liệu giấy theo quy trình công nghệ cao. Đây là mô hình đầu tiên ở tỉnh Bình Định về trồng rừng bằng cây Bạch đàn Urôphylla cây nuôi cấy mô và Keo lai giâm hom trên diện tích lớn. Cây giống Bạch đàn mô Công ty phải mua từ Trung tâm nghiên cứu cây nghiên cứu giấy Phù Ninh - tỉnh Phú Thọ và Keo lai giâm hom tại Công ty nguyên liệu giấy Niềm Nam - tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn từ năm 2001 đến 2010, Công ty đã trồng 3.000 ha nguyên liệu gỗ xẽ, gỗ giấy theo quy trình chất lượng cao. Với việc sử dụng giống tốt sản xuất bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô kết hợp đầu tư thâm canh trồng việc trồng rừng năm 2015 năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha/6 năm, năm 2020 năng suất bình quân đạt 120 tấn/ha/6 năm, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong kinh doanh rừng trồng do đầu tư trồng rừng chủ yếu từ nguồn vốn vay các Ngân hàng Thương mại, chưa được tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư, giá thành đầu tư cao. Để chủ động cây giống chất lượng cho trồng rừng, ngay từ năm 2001 được sự cho phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty đã chủ động đầu tư vườn ươm cây giống cố định với quy mô 03 ha; vườn ngân hàng dòng Keo lai 01, năng lực sản xuất 02 - 03 triệu cây/năm. Vườn ngân hàng dòng là các dòng Keo lai có năng suất cao, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận. Ngoài ra, hằng năm Công ty đã hợp đồng với các đơn vị mua cây mô mầm Bạch đàn (Urophylla eucaliptus) dòng U6 để sản xuất giống phục vụ trồng rừng cho đơn vị và nhân dân trong vùng. Vườn ngân hàng dòng được Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận nguồn giống. Việc sản xuất giống được quản lý theo chuỗi hành trình, từ vật liệu, vật tư đưa vào sản xuất giống được theo dõi chặt chẽ. Kết quả thực hiện chỉ tiêu tài chính: Hằng năm, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước đều đạt và vượt kế hoạch, nộp ngân sách đúng, đủ, kịp thời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân viên toàn Công ty. |