Kỹ thuật trồng cây hoa Mai Anh Đào
1. Đặc điểm thực vật học cây hoa Mai Anh Đào
Cây Mai Anh Đào hay cây đào Đà Lạt có tên khoa học: Prunus Cerasoides, thuộc chi Prunus (Đào Mận), thuộc họ Hoa hồng. Là cây thân gỗ, cao tầm trung. Cây phân nhánh vừa phải, tán lá và cành thưa, lá đơn, nhỏ, mọc cách, khía là có răng cưa. Hoa Mai Anh Đào nở khoảng một tuần, thường nở vào mùa xuân. Hoa Mai Anh Đào có năm cánh đơn màu hồng phai, hoa lưỡng tính có một nhụy và có từ 20 -30 nhị bao quanh nhụy. Quả màu tím nhỏ từng chùm, khi trái chín thì có màu tím, vị chua chua, hơi chát.
Vào đầu mùa khô khoảng tháng 10 hàng năm, lá của cây hoa Mai Anh Đào sẽ chuyển từ từ sang màu vàng, sau đó rụng dần, cành cây trơ trụi, khẳng khiu. Khi thời tiết bắt đầu chuyển vào giữa tháng 2 – tháng 3 thì cây hoa Mai Anh Đào cũng bắt đầu nở hoa. Hoa Mai Anh Đào nở sau khoảng một tuần thì màu sẽ nhạt dần và rụng xuống, những chồi non bắt đầu xuất hiện.
2. Điều kiện gây trồng
a) Đất đai: Cây hoa Mai Anh Đào thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp nhất là đất thịt pha sét, thoát nước tốt, có độ pH 7-8;
b) Nhiệt độ thích hợp bình quân năm là dưới 250C, có thời tiết lạnh dưới 180C từ 200 giờ trở lên.
c) Lượng mưa bình quân năm 2.500mm; số tháng trung bình mùa khô 4 tháng;
d) Độ cao tuyệt đối nơi trồng so với mực nước biển từ 700m trở lên;
3. Nhân giống
Thu hái quả: Chọn cây có hoa đẹp, tuổi cây từ 8-10 năm, quả chín đều để thu hái quả. Quả sau khi thu hái về chà sát hết lớp vỏ ngoài, phơi khô và đưa vào bảo quản khô.
Xử lý hạt: Ngâm hạt trong nước ấm 600C, thời gian ngâm 24 giờ. Vớt hạt, rửa sạch và gieo trên nền cát, khi cây mầm đạt độ cao 4-5 cm thì cấy vào bầu để chăm sóc.
Cấy cây vào bầu Polietylen kích thước loại 10 cm x 20 cm. Thành phần ruột bầu 20% phân chuồng hoai, 20% xơ dừa, 60% đất mặt. Bầu xếp thành luống ngang 8 bầu, dài 10 m, khoảnh cách luống 40cm.
Chăm sóc: Tưới nước thường xuyên giữ ẩm bầu cho cây, làm cỏ thường xuyên, xới váng mặt bầu, đảo bầu và tưới phân NPK 10:10:10, liều lượng 0,02kg/m2, thực hiện 3 lần/năm. Sau mỗi lần tưới phân phải tưới lại bằng nước sạch. Thường xuyên theo dõi tình hình sâu, bệnh hại.
Cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn từ 16 tháng tuổi, cao từ 1,2 -1,4 m, đường kính gốc 0,8 -1cm. Không sâu bệnh hại.
4. Kỹ thuật trồng Mai anh Đào
a) Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây con ươm trong túi bầu (kích thước bầu 14 cm x 20 cm), tuổi cây từ 15 – 20 tháng; đường kính gốc 1,2 – 2 cm, chiều cao vút ngọn từ 1,5 – 2m, không cong queo sâu bệnh, không cụt ngọn.
b) Kỹ thuật làm đất
– Phương thức làm đất cục bộ;
– Phương pháp làm đất: Đào hố bằng dụng cụ thủ công hoặc cơ giới; nơi đất tốt, tơi xốp, kích thước hố 60cm x 60cm x 50cm; nơi đất cứng, bạc màu, kích thước hố 100cm x 100cm x 70cm.
c) Trồng cây
– Thời gian trồng từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau. Đối với nơi trồng đảm bảo nước tưới thì trồng quanh năm.
– Bón lót và lấp hố: Trước khi trồng phải bón lót bằng phân hữu cơ 7kg/hố, trộn đều phân với đất sau đó lấp đầy miệng hố, công việc này thực hiện trước lúc trồng 15 ngày; đối với khu vực đất bạc màu, trộn thêm trấu hoặc xơ dừa với liều lượng khoảng 20% lượng đất lấp.
– Kỹ thuật trồng: Dùng cuốc moi một lỗ to và cao hơn túi bầu khoảng 5-10 cm ở giữa hố đã lấp; gỡ túi bầu ra khỏi bầu cây, sau đó đặt cây ngay ngắn xuống lỗ, lấp đất ngập 1/2 chiều cao bầu, ấn chặt giữ bầu cố định sau đó vun đất đầy cao hơn mặt bầu 6-8 cm và ấn chặt đất xung quanh bầu cây. Các thao tác phải hết sức khéo léo tuyệt đối không làm vỡ bầu. Dùng nẹp tre cao 2m, rộng 8-10cm cắm vuông góc với hướng gió chính sau đó cột cây vào nẹp tre để giữ cho cây ổn định không bị lay gốc.
5. Chăm sóc cây trồng
a) Tưới nước: Sau khi trồng, hằng ngày phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây, sau khoảng 2 tháng khi cây ổn định, nếu thời tiêt khô hạn thì tưới cho cây 2 đến 3 lần/tháng.
b) Bón phân: Sau khi trồng một tháng tiến hành bón thúc phân NPK (10:10:10) liều lượng 0,05g/gốc, bón xa gốc cây từ 30 – 35 cm. Năm thứ 2 và năm thứ 3, mỗi năm bón phân 2 lần. Lần 1 từ tháng 2 – 3, lần 2 từ tháng 10 – 11; mỗi lần bón 5kg phân hữu và 0,1kg phân NPK (10:10:10)/gốc.
c) Cắt tỉa cành: Cây Mai Anh Đào ra cành ngang nhiều cần phải tỉa để cây phát triển đứng thẳng, trong quá trình cắt sửa cần kết hợp tạo hình tán cây.
6. Phòng trừ sâu, bệnh
Bệnh thường gặp là bệnh xì mủ vào mùa mưa: Dùng Nano đồng Oxyclorua quét phòng vào đầu mùa mưa. Khi cây bị bệnh lấy bàn chải chải sạch vết mủ, sau đó quét Nano đồng Oxyclorua và phun thuốc Bismertmiazole 7 ngày một lần.
Bệnh đốm lá: Dùng thuốc trị nấm bệnh.
Reviews
There are no reviews yet.